Giáo sư Nigel McMillan (Đại học Griffith), trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết công nghệ này hoạt động tương tự “tên lửa tầm nhiệt”: chủ động tìm kiếm và tiêu diệt mầm bệnh.
Ảnh minh họa: Shutterstock
Đài ABC News (Úc) mới đây cho hay nghiên cứu do nhóm chuyên gia của Viện Y tế Menzies (thuộc Đại học Griffith, Úc) hợp tác cùng Viện Nghiên cứu City of Hope (Mỹ) thực hiện đã bước đầu phát triển thành công một liệu pháp có thể tiêu diệt được 99,9% lượng SARS-CoV-2 (vi rút gây ra dịch Covid-19) trong phổi người nhiễm bệnh.
Cụ thể, nhóm chuyên gia của Úc và Mỹ đã bắt đầu nghiên cứu này từ tháng 4.2020. Họ đã tiếp cận vi rút gây bệnh bằng một công nghệ y tế được gọi là “sự im lặng của gien”, thông qua RNA (axit ribonucleic: một phân tử mã hóa thông tin di truyền) để tấn công trực tiếp vào bộ gien của vi rút nhằm ức chế khả năng tái tạo cũng như ngăn chặn tình trạng lây lan.
Giáo sư Nigel McMillan (Đại học Griffith), trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết công nghệ này hoạt động tương tự “tên lửa tầm nhiệt”: chủ động tìm kiếm và tiêu diệt mầm bệnh.
“Về cơ bản, có thể hiểu liệu pháp này sẽ thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm và tiêu diệt mầm bệnh. Nó sẽ phá hủy bộ gien vi rút khiến chúng không thể phát triển được nữa. Chúng tôi tiêm vào các hạt nano và chúng sẽ đi tìm, tiêu diệt vi rút giống như một tên lửa tầm nhiệt”, ông McMillan nói.
Phương pháp này được kỳ vọng có thể sẵn sàng dùng để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 sớm nhất vào năm 2023, tùy thuộc vào kết quả tiếp theo của các thử nghiệm lâm sàng.
Nguồn: https://thanhnien.vn/suc-khoe/phat-hien-cach-tieu-diet-999-sars-cov-2-trong-phoi-1387194.html